Tôi NỢ lũ trẻ 1 lời hứa

3 năm bén duyên với bọn trẻ, từ những chương trình ngoại khóa vui chơi đến các giờ học tiếng Anh. Ngồi nhẩm tính lại cũng tiếp xúc được với tầm 7000 đứa trẻ. Và có thể nhớ và có thể đọc tên được tầm 800 đứa trẻ với đặc điểm tính cách riêng của chúng. Cũng là 1 con số đáng nhớ với một thằng ko theo cái nghề “giáo”.

Từng đấy thời gian, từng đấy đứa trẻ đủ để tôi cảm nhận nhiều điều thú vị từ chúng. Và có lẽ điều tôi băn khoăn và suy nghĩ nhiều nhất đó chính là “sự thiệt thòi” của lũ trẻ so với chúng tôi ngày xưa.

Tôi chứng kiến những đứa trẻ “CHẠY XÔ” đi học, học từ sáng đến tối học, hết ở trường rồi đến các trung tâm, học cả cuối tuần, học đến mức độ ko kịp ăn tối, ăn vội cái bánh mì trên xe rồi chạy sang chỗ khác học cho kịp, tối về có hôm phải thức đến 12h để hoàn thành bài tập trên lớp, rồi lăn ra ngủ sáng mai lại dậy sớm đi học. Tôi tự hỏi tại sao lũ trẻ phải học như vậy? Học như vậy để làm gì?

Đương nhiên rồi giờ ăn không có nói chi đến giờ chơi. Đâu có thời gian thư giãn nói chi đến những trải nghiệm thú vị mà chúng rất cần, rất thích, những trải nghiệm mà nhẽ ra ở cái tuổi của chúng chúng phải được làm….nhiều hơn là học. Đồng ý học là quan trọng nhưng đâu cứ phải học nhiều mới là giỏi. Học NHIỀU đâu quan trọng là chúng học được những gì? Học NHIỀU đâu quan trọng bằng con trải nghiệm được những gì, con rút ra được bài học gì cho mình.

Tôi tiếp xúc quá nhiều với những đứa trẻ mà tôi nghĩ rất giống với những “chú gà công nghiệp”. Chúng được biến thành món đồ thí nghiệm cho những phương pháp giáo dục của các ban bệ. Nhưng buồn hơn chúng biến thành công cụ thi thố, khoe khoang, phô trương của chính bố mẹ chúng. Những đứa trẻ bị “ÉP HỌC” để lấy thành tích đến mức là ngoài mấy thứ chúng được nạp vào ra chúng chả có cái gì, nếu vất chúng ra ngoài sống tôi không hiểu chúng sẽ sống như thế nào. Tôi thấy thương chúng.

Đã qua rồi cái thời chúng ta cố nhồi vào đầu lũ trẻ những cái mà chúng chả thể tiêu hóa, đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm khắc và tìm ra những cái phù hợp cho con. Đứa trẻ là con của chúng ta. Nếu bản thân chúng ta không thể lo, không thể hiểu, không thể tạo ra cho chúng những trải nghiệm,…thì chắc chắn chả ai có thể làm thay được.

Và đó cũng chính là lời hứa tôi đang nợ những đứa trẻ, lời hứa về những chương trình để chúng được trải nghiệm, và qua đó chúng sẽ trưởng thành. Không hẳn chỉ là chơi mà đó phải là những trải nghiệm. Không cứ phải nhất thiết bắt đầu bằng 1 đống lý thuyết mà nó sẽ là những trải nghiệm. Và chắc chắn tôi sẽ làm nó theo đúng cách tôi đang suy nghĩ về “giáo dục”.

Scroll to Top